Hiện nay nhà nước tập trung vào hỗ trợ ưu tiên các ngành công nghiệp phần mềm, nội dung số, sản xuất các sản phẩm CNTT trọng điểm. Chính sách thuế tập trung vào thu nhập doanh nghiệp và thu nhập cá nhân. Ông đánh giá hiệu quả của các chính sách hỗ trợ, thúc đẩy các hoạt động phát triển và ứng dụng CNTT của chính phủ trong thời gian vừa qua như thế nào?
Theo tôi chính sách hỗ trợ và thúc đẩy các hoạt động phát triển và ứng dụng CNTT trong thời gian vừa qua có một bước tiến lớn, cụ thể trong chính sách ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp và thu nhập cá nhân. Hỗ trợ cho các doanh nghiệp đặc biệt là các doanh nghiệp khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghệ hoạt động thuận lợi và dễ dàng hơn.
Tuy nhiên, một số thủ tục trong số lĩnh vực như nội dung số vẫn còn nhiều khó khăn, đặc biệt là phần cấp giấy phép. Tôi cho rằng nên có thêm chính sách cởi mở hơn cho việc thử nghiệm những công nghệ, và dịch vụ sáng tạo mà cần triển khai thử nghiệm nhanh nhưng nhà nước vẫn hoàn toàn có thể quản lý được.
Ví dụ, ở Singapore, chính phủ ra một chính sách tạm gọi là ‘Sandbox’ cho phép doanh nghiệp khởi nghiệp thử nghiệm các công nghệ và dịch vụ liên quan đến Fintech. Tạm dịch là hệ thống thử nghiệm giới hạn được kiểm soát cho đến khi mô hình thành công và có thể nhân rộng nhưng không làm chậm và ngắt quãng mô hình này vì lý do pháp lý.
Theo ông, việc chuẩn bị cho số hóa nền kinh tế trong thời gian tới sẽ có những khó khăn, thách thức nào?
Theo tôi việc số hóa nền kinh tế đã và đang diễn ra mạnh mẽ rồi, ví dụ như việc mua bán điện tử (e-commerce), hoặc như lĩnh vực vận chuyển phát triển khá mạnh khi có sự tham gia của Uber, Grab và đặc biệt là các lĩnh vực liên quan đến giải trí như âm nhạc, phim ảnh, mạng xã hội… Tuy nhiên vẫn còn rất nhiều thách thức cho các doanh nghiệp Việt Nam, đó chính là việc phải đối mặt sòng phẳng với các công ty quốc tế. Vì là số hóa nên không có biên giới nào giữa doanh nghiệp Việt Nam và quốc tế, nên việc cạnh tranh với các công ty quốc tế giàu tiềm lực tài chính và công nghệ là khó khăn lớn nhất cho các công ty trong nước.
Nội dung số là một ngành được đề cập đến trong Luật CNTT và thuộc lĩnh vực được ưu tiên trong nhiều chính sách của nhà nước. Thực tế, ít văn bản về lĩnh vực này được ban hành. Theo ông, ngành công nghiệp nội dung số của Việt Nam có những điểm mạnh và hạn chế nào? Những bất cập nào cần điều tiết ngay trong thời gian trước mắt?
Đúng vậy, ngành nội dung số ở nước ta đang phát triển rất mạnh, cụ thể ở các lĩnh vực sau: trò chơi trực tuyến, truyền hình Internet, phim ảnh, âm nhạc, văn học mạng, … Tuy nhiên thực tế thì thị trường là rất lớn nhưng ở mỗi lĩnh vực chúng ta chưa thực sự tạo ra được một ngành công nghiệp đúng nghĩa.
Ví dụ ngành game, chúng ta chỉ dừng lại ở mức phát hành game nhập khẩu mà chưa có được một thị trường sản xuất, thiết kế game đúng nghĩa, 90% doanh thu đều đến từ game nhập khẩu.
Truyền hình Internet thì chúng ta vấp phải các đối thủ quốc tế như Youtube, Facebook, Netflix với tiềm lực rất mạnh về tài chính và công nghệ.
Về văn học mạng, đây là nguồn gốc của các ngành nội dung số khác nhưng đang rất yếu. Rất ít tổ chức và cá nhân văn nghệ sĩ sống được từ nghề, trong khi ở các nước khác thì từ một tác phẩm văn học họ sẽ chuyển thể thành game, phim và các ngành khác tạo ra một hệ thống thống nhất.
Một vấn đề nữa là về thủ tục hành chính và giấy phép. Một số công ty quốc tế được hoạt động tự do, trong khi các doanh nghiệp trong nước bị trì trệ hơn vì một số thủ tục này mà chưa có một giải pháp hữu hiệu để cho họ vẫn có thể sáng tạo mà nhà nước vẫn đảm bảo vai trò quản lý được.
Hiện nay chúng ta chưa có chế tài kiểm soát các phần mềm khi được nhập vào Việt Nam do phương thức chuyển tải đa dạng, qua thiết bị lưu trữ chuyên dụng, nhúng trong thiết bị điện tử, nhập qua đường mạng. Theo ông, cần làm gì để đảm bảo các phần mềm được nhập không ảnh hưởng đến lợi ích của Việt Nam?
Đây là một bài toán lớn mà hầu như các quốc gia khác cũng gặp phải. Theo tôi đầu tiên phải xây dựng được văn hóa sử dụng sản phẩm có bản quyền, tôn trọng bản quyền tiếp đến là hỗ trợ các doanh nghiệp CNTT trong nước để họ làm ra nhiều sản phẩm phần mềm có thể thay thế được sản phẩm quốc tế.
Như ở Trung Quốc thì người ta không dùng Facbebook mà dùng Wechat, người ta không tìm kiếm Google mà tìm kiếm qua Baidu, người ta cũng dùng điện thoại trong nước họ sản xuất là phần nhiều.
Tiếp đến nữa là cơ chế quản lý và xử phạt cũng cần được xem xét đối với các doanh nghiệp và cá nhân kinh doanh mà không tôn trọng bản quyền, cần có biện pháp cứng rắn hơn nhằm chế tài các đơn vị kinh doanh không bản quyền. Rất nhiều nguy cơ an toàn thông tin được phát tán thông qua các dịch vụ lậu.
Cảm ơn ông.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét