Thứ Sáu, 22 tháng 9, 2017

Đề xuất rút ngắn thời gian cấp phép chữ ký số

Hiện Nghị định 26 quy định thời gian chờ cấp phép cho doanh nghiệp cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số là 60 ngày.


Ngày 21/9 tại Hà Nội, Hiệp hội An toàn thông tin Việt Nam (VNISA) tổ chức hội thảo đóng góp ý kiến cho dự thảo Nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Giao dịch điện tử về chữ ký số và dịch vụ chứng thực chữ ký số.

Tại hội thảo, các tổ chức, doanh nghiệp cung cấp và sử dụng dịch vụ chữ ký số (CKS) tham gia đóng góp ý kiến cho dự thảo tập trung vào vấn đề gia hạn và quy hoạch các tổ chức cung cấp chữ ký số công cộng (CA); đơn giản hóa thủ tục; chứng thư số nước ngoài; thời hạn cấp phép…

Ông Ngô Tuấn Anh, Phó Chủ tịch phụ trách An ninh mạng của Bkav đồng tình việc cần thiết xây dựng Nghị định thay thế Nghị định 26/2007/NĐ-CP vì ban hành đến nay đã 10 năm, trong bối cảnh dịch vụ chứng thực CKS chưa hình thành; và nhằm bảo đảm hiệu lực hiệu quả quản lý nhà nước về dịch vụ chứng thực CKS, góp phần đẩy mạnh ứng dụng CKS trong các hoạt động kinh tế - xã hội.

Góp ý cụ thể vào dự thảo, ông Ngô Tuấn Anh chia sẻ, hiện nay nhiều doanh nghiệp cung cấp dịch vụ CKS thấy "mệt mỏi" về vấn đề thủ tục cấp phép. Trong 10 năm qua, Nghị định 26/2007/NĐ-CP quy định thời gian cấp phép là 60 ngày làm việc, Dự thảo Nghị định hiện vẫn giữ nguyên thời gian 60 ngày là không hợp lý khi mà nhà nước đã và đang có nhiều cải cách thủ tục hành chính như hiện nay.

"Trên tinh thần rút ngắn các thủ tục cho doanh nghiệp, tạo thuận lợi cho kinh doanh, đề nghị rút ngắn thời gian thẩm tra, cấp phép. Đặc biệt đối với trường hợp gia hạn cần rút ngắn thời gian cấp phép, vì hiện nay gia hạn làm như mới, trong khi thực tế doanh nghiệp đã được thẩm tra kỹ khi cấp phép ban đầu", ông Ngô Tuấn Anh nêu ý kiến.

Ngoài ra, ông Ngô Tuấn Anh đề nghị, không đưa vào dự thảo Nghị định vấn đề "Thu hồi giấy phép" của tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực CKS công cộng vì không nộp đầy đủ phí dịch vụ duy trì hệ thống kiểm tra trạng thái chứng thư số trong 12 tháng, nhằm đảm bảo nguyên tắc một vi phạm không bị xử lý nhiều lần. Vì việc xử lý trách nhiệm không nộp phí đã được quy định tại Thông tư số 186/2013/TT-BTC về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực phí và lệ phí.

Đại diện Bkav cũng cho biết gia hạn CKS cũng là một trong những nghiệp vụ quan trọng bậc nhất, ảnh hưởng đến cốt lõi của dịch vụ chứng thực CKS. "Việc gia hạn chứng thư số tránh việc phải định kỳ xin cấp mới sẽ mang lại nhiều tiện ích cho công tác quản lý, tiết kiệm chi phí đầu tư, thời gian và nhân lực chuyển đổi theo hệ thống chữ ký số mới", ông Ngô Tuấn Anh, Phó chủ tịch Bkav, chia sẻ.

Đồng quan điểm, ông Lê Việt Cường thuộc FPT-CA nhấn mạnh: "Trên thực tế, khi cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số công cộng, các gói cước dịch vụ CA cung cấp tới khách hàng thường có điều kiện thời gian 1-3 năm. Nếu thời hạn cấp phép quá ngắn, hết thời hạn lại chỉ được gia hạn một năm thì sẽ gây tác động rất lớn đối với doanh nghiệp".

Các CA kiến nghị giữ nguyên nội dung gia hạn giấy phép như trong Nghị định 26 nhưng tăng thời gian gia hạn lên 5 năm để đảm bảo theo thông lệ chung của quốc tế và tính liên lục trong cung cấp dịch vụ.

Ngoài ra, các CA cũng nêu ý kiến về một số vấn đề khác như: cần điều chỉnh chính sách phù hợp để tạo điều kiện hơn trong việc thúc đẩy tiêu dùng sản phẩm, dịch vụ trong nước; đề nghỉ bổ sung nội dung về trách nhiệm quản lý nhà nước với dịch vụ chứng thực CKS…

Ghi nhận những ý kiến đóng góp của các CA, đại diện NEAC cho biết những kiến nghị, đề xuất của doanh nghiệp sẽ được báo cáo lên các cấp lãnh đạo xem xét trong quá trình hoàn thiện dự thảo Nghị định mới thay thế Nghị định 26.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét