Thứ Ba, 26 tháng 9, 2017

Thêm thông tin về vụ Google mua lại HTC

Google được cho là sẽ mua lại một phần HTC nhằm củng cố tham vọng trong lĩnh vực phần cứng của mình.

Nếu sở hữu một nhà sản xuất phần cứng, Google có thể kiểm soát chặt chẽ hơn quy trình sản xuất smartphone Pixel mới và các thiết bị khác, giúp tăng doanh số. Những thiết bị này đang trở thành trọng tâm chiến lược của Google nhằm duy trì sản phẩm phần mềm quan trọng, chẳng hạn trợ lý giọng nói, giảm chi phí trong mảng quảng cáo và cạnh tranh tốt hơn với Apple.

Theo “vua tin đồn Evan Blass”, HTC sẽ tổ chức một cuộc họp toàn nhân viên vào hôm nay (21/9). Sàn chứng khoán Đài Loan cho biết cổ phiếu công ty cũng tạm dừng giao dịch trong ngày này trong khi chờ đợi thông báo.


Tháng trước, Bloomberg đưa tin HTC đang làm việc cùng một cố vấn để tìm cách bán mảng thiết bị cầm tay và thực tế ảo. Mới đây, Apple Daily viết rằng Google sẽ mua lại bộ phận thiết kế gốc của HTC với giá khoảng 330 triệu USD, vẫn giữ lại thương hiệu HTC và khoảng 100 kỹ sư công ty.

Có lẽ, các nhà đầu tư vào Alphabet, công ty mẹ Google, đang lo lịch sử sẽ lặp lại. Google từng cố gia nhập thị trường phần cứng hai lần và đều tốn kém nhưng không thành công. Tuy nhiên, nỗ lực thứ ba này lại đến vào thời điểm rất khác, đó là khi Google và các đối thủ lớn nhất đang tập trung hơn bao giờ hết vào thiết bị tiêu dùng xoay quanh trí tuệ nhân tạo (AI) và thực tế tăng cường (AR). AR đòi hỏi camera và cảm biến đắt tiền, mạnh mẽ, kết hợp với phần mềm đặc biệt để xử lý và dựng ảnh 3D trên nền thế giới thực. Khi nhiều nhà sản xuất Android tự làm ra các điện thoại khác nhau, đây sẽ là nhiệm vụ khó khăn với Google, nhất là khi so với Apple, công ty đang kiểm soát cả phần cứng và phần mềm của thiết bị cung cấp.

Bên cạnh đó, kiểm soát tốt hơn việc sản xuất làm tăng sức mạnh Google trong việc phân phối dịch vụ mới như trợ lý giọng nói. Nó có thể giải quyết một vướng mắc quan trọng mà Android phải đối mặt khi so sánh với iPhone.

Ramon Llamas, nhà phân tích của hãng nghiên cứu IDC, nhận định: “Nếu có thể quản lý tất cả, bạn đang nắm chắc vận mệnh trong tay”.

Năm 2012, hãng tìm kiếm Internet lớn nhất thế giới chi 12,5 tỷ USD mua Motorola Mobility. Trong chưa đầy 3 năm, Google phải bán tháo cho Lenovo lấy gần 3 tỷ USD. Năm 2014, công ty tiếp tục bỏ 3,2 tỷ USD mua Nest Labs, nhà sản xuất bộ ổn nhiệt thông minh để đối đầu với Apple. Tuy nhiên, các sản phẩm mới lại chậm ra mắt thị trường, Nest còn bị chôn vùi bởi các đấu đá nội bộ khiến CEO Tony Fadell phải ra đi năm ngoái.

Hiện tại, Google đang có trong tay mẫu điện thoại mang tên Pixel. Nguồn lực sản xuất của HTC, công ty lắp ráp Pixel đời đầu, phù hợp hơn với ý đồ của Google thay vì xây lại từ con số 0. Năm 2016, Google tuyển Rick Osterloh, cựu giám đốc Motorola, điều hành mảng phần cứng. Mùa thu năm ngoái, nhóm của ông giới thiệu Pixel, mẫu smartphone cao cấp giá ngang iPhone và loa thông minh, cạnh tranh với Amazon Echo. Ngày 4/10 tới đây, thế hệ hai của Pixel sẽ được ra mắt.

Osterloh đóng khung Pixel như một điểm tham khảo – cho cả người dùng và nhà sản xuất phần cứng khác – về việc Google nhìn nhận sự kết hợp giữa phần cứng và phần mềm như thế nào. Sở hữu một phần của HTC giúp công ty thúc đẩy tầm nhìn đi xa hơn, tăng tốc độ ứng dụng tính năng mới xoay quanh AI và AR.

Cách tiếp cận tương tự Apple còn giúp Google đưa Android đi theo hướng mong muốn. Android gặp vấn đề cố hữu là cập nhật phiên bản hệ điều hành mới rất chậm. Pixel được thiết kế để hướng các nhà sản xuất Android khác làm theo. Tuy vậy, một số đối tác cũng đang tăng cường nỗ lực phần mềm riêng, như Huawei liên kết với trợ lý ảo của Amazon còn Samsung tự phát triển.

Google Pixel chưa thể gọi là bán chạy với doanh số khoảng 552.000 máy trong quý đầu bán ra. Tuy vậy, bán Pixel vẫn mang lại lợi ích cho Google. Với mỗi Pixel bán được, Google lại giảm chi phí TAC phải trả cho đối tác như Apple và nhà mạng để cài đặt dịch vụ tìm kiếm. Chi phí này tăng ổn định, làm giảm doanh thu của công ty.

Dù bù đắp được chi phí TAC, bộ phận phần cứng lại dẫn đến gia tăng chi phí trong bảo trì và tiếp thị. Thâu tóm một phần HTC có thể làm ảnh hưởng đến biên lợi nhuận của Google.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét